Thụ đắc ngôn ngữ thứ nhất: Những thắc mắc thường gặp (Kì 4 – kì cuối)

Vai trò của người mẹ đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ là như thế nào?

Ngay trước thời điểm trẻ chào đời, giọng nói thân thuộc nhất mà trẻ có thể cảm nhận và nhận biết được là giọng của mẹ mình. Rồi sau khi chào đời, loại âm thanh mà trẻ yêu thích một cách đặc biệt là loại âm thanh có tần số cao, là loại âm thanh nhấn nhá lên giọng xuống giọng giàu sức biểu cảm.

 

Đây chính là loại âm thanh tự nhiên của người mẹ nói riêng và của phụ nữ nói chung. (Ở phụ nữ, do dây thanh – vật tạo ra âm thanh nằm trong hầu/ thanh quản/ phần nhô ra trên cổ mà chúng ta thường gọi là quả táo ađam hay trái khế – mỏng và ngắn so với đàn ông, cho nên, giọng của phụ nữ luôn cao hơn (nhưng không to hơn) đàn ông).

Sự gắn kết tự nhiên giữa mẹ và trẻ là một sự gắn kết vừa có giá trị sinh học vừa có giá trị xã hội. Đó là một nhu cầu thường trực, tất yếu và tự nhiên giữa mẹ và con. Sự gắn kết này cho ta biết rằng trong mỗi gia đình sự tiếp xúc mẹ – con là sự tiếp xúc thường xuyên, liên tục và nhiều nhất. Chính sự tiếp xúc đặc biệt này đã xác lập được vị trí thứ nhất và theo đó là vai trò thứ nhất của người mẹ đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Bởi thế mà không khó hiểu lắm khi chúng ta biết rằng ngôn ngữ tự nhiên của chúng ta thường được gọi l�ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng mẹ đẻ, khi các cặp vợ chồng trẻ ở phố cần sự giúp đỡ từ phía phụ huynh để trông trẻ thì thường chỉ mời bà lên trông (chứ hiếm khi mời ông lên trông), khi những người làm nghề trông trẻ thường chỉ là phụ nữ, khi trẻ phạm lỗi thì các “đức ông” thường đổ vấy một cách thiếu căn cứ rằng con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, và rằng phúc đức tại mẫu,….

Những việc làm mà các bậc cha mẹ cần tránh là gì?

Cần phải nhắc lại là sự phát triển ngôn ngữ của trẻ là một sự phát triển tự nhiên. Tự nhiên theo nhu cầu và năng lực, tâm lí sẵn có của trẻ. Tự nhiên theo môi trường tiếp xúc, sinh hoạt… Ở trẻ không hề và không thể có một sự cưỡng bức học hỏi và rèn luyện nào đó từ phía bên ngoài vào để tạo ra sự phát triển ngôn ngữ như trông đợi cả. Chính vì hai chữ tự nhiên này cho nên các bậc cha mẹ cần tránh những việc làm cũng rất tự nhiên và bề ngoài thì nghe có vẻ “thích hợp và đầy tính thuyết phục, hay cảnh báo, hay động viên về mặt giáo dục” nhưng bên trong thì đem lại những hệ quả tiêu cực. Lấy vài ví dụ. Việc so sánh con anh nói giỏi còn con tôi nói kém là một việc làm vô bổ, đôi khi tạo ra những áp lực rất không cần thiết để tiêu diệt trạng thái tâm lí tự nhiên trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Việc nói tục, chửi bậy trước mặt trẻ cũng chính là việc tạo ra những cơ hội bắt chước “quý giá” để phát triển thứ ngôn ngữ thô tục y như việc vui đùa, nói chuyện tích cực cùng trẻ. Việc lấy cớ trẻ làm phiền mà không chịu giải toả nỗi bực tức hay trả lời những thắc mắc, hay trò chuyện một cách bình thường cùng trẻ lúc trẻ có nhu cầu cũng là một việc vô hình trung đã tước đi một cơ hội để trẻ tự phát hoặc tự giác bộc lộ ngôn ngữ và học hỏi ngôn ngữ. Ở một khía cạnh nào đó, người lớn chúng ta cần ý thức rõ ràng thêm rằng những lời nói thiếu gương mẫu là những lời nói đầy giá trị xúc cảm, đầy ngữ điệu cao thấp, đầy cường độ to nhỏ, đầy tốc độ nhanh chậm. Những thuộc tính lời nói thiếu gương mẫu này, rất không may, lại là những thuộc tính đi kèm ngôn ngữ mà dễ gây ấn tượng với trẻ, khiến cho trẻ rất dễ hấp thụ chúng. Cho nên, việc không ít bậc phụ huynh than phiền rằng có ai dạy trẻ những lời như thế đâu mà trẻ tự nói được, rằng trẻ tự nghĩ ra những lời không nên nói chứ chẳng hề có ai dạy cả,… đã nói lên một sự thực mà ít người nhận thấy là trẻ chỉ có thể nói ra được những lời mà chẳng ai muốn như vậy khi chính người lớn cung cấp chất liệu ngôn ngữ, môi trường giao tiếp ngôn ngữ cho chúng.

Trẻ con là trẻ con. Trẻ con thì có thể sai hoặc đúng. Nhưng cái sai hoặc đúng này của trẻ về bản chất khác cái sai hoặc đúng của người lớn. Cái sai hoặc đúng này của trẻ là cái thuộc tính của quá trình “tự diễn biến” tâm lí, nhận thức, ngôn ngữ của trẻ dưới sự tương tác hay hướng dẫn của người lớn. Trẻ con thì phải học ngôn ngữ. Việc tiêu hóa hay trải nghiệm, bộc lộ, thi thố kết quả của việc học thì phải có sai có đúng. Cho nên, cần thiết phải nhìn nhận rằng việc phát âm sai, việc dùng từ sai nghĩa, việc nói câu sai ngữ pháp, việc nói lời không đúng ngữ cảnh,… trong môi trường tương tác ngôn ngữ tự nhiên của trẻ là việc một việc nhẹ nhàng, bình thường, không thể tránh khỏi. Có ai nên khôn mà không một đôi lần trót dại? Vì thế, việc nhại lại cái sai của trẻ với mục đích trêu chòng hoặc chiều chuộng trẻ là việc làm không nên. Việc nhại lại cái sai đó, thực chất, hoặc đã tạo ra một mẫu sai mới mà trẻ nhất thời dễ lầm tưởng đó là sự thật nên noi theo, hoặc là khiến cho trẻ bực tức để không còn chú tâm đến việc sửa sai nữa. Chẳng hạn, khi trẻ nói uống sứa thay cho uống sữa, oản tù tì thay cho oẳn tù tì,… thì người lớn chúng ta không nên nhại lại cái sai đó, mà cần phải tình nguyện nói lại đúng chuẩn những từ ngữ đó một cách tự nhiên nhất để cho trẻ tự nghe, tự điều chỉnh dần và bắt chước lại. Thêm vào đó, một việc mà chúng ta cũng không nên thực hiện đó là việc thường xuyên chủ ý phát âm không đúng những từ ngữ (chẳng hạn nói đi tơi thay cho đi chơi, ăn tơm thay cho ăn tơm, cường điệu hóa từ con bằng việc phát âm gốc lưỡi sâu xuống và thụt vào trong – một việc mà các cô nuôi dạy trẻ rất hay làm,…) với mục đích nhấn mạnh hay gây sự chú ý, tạo tình cảm đối với trẻ. Để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, thế giới công nghệ hiện đại có thể giúp chúng ta được nhiều việc trong đó có việc tạo ra một môi trường kích thích sự phát triển thị giác, thính giác,… Những chương trình quảng cáo, hoạt hình, trò chơi điện tử,… là những thứ có thể giúp cho trẻ phát triển ngôn ngữ trong chừng mực nào đó, nhưng việc tiếp xúc thường xuyên và liên tục với chúng đến mức quá liều lượng, thiếu kiểm soát là một việc không nên, dẫu rằng những thứ đó luôn là những thứ dễ dàng kích thích sự tò mò, tạo sự cuốn hút đối với trẻ.

Những việc mà cha mẹ nên làm là gì?

Mỗi một giai đoạn và một tình huống ngôn ngữ của trẻ đương nhiên sẽ có danh sách những việc nên hay không nên rất khác nhau.

Sự hình thành, phát triển ngôn ngữ của trẻ là một quá trình tuần tự, liên tục, được bắt đầu từ rất sớm. Như đã nói, ngay trong những tháng cuối của thai kì, thai nhi đã có thể cảm nhận được âm thanh từ bên ngoài đem lại. Vì thế, công việc thai giáo bằng những bản nhạc trữ tình, bằng những lời nói âu yếm của cha mẹ là một việc nên được thực hiện sớm. Công việc này vẫn nên tiếp tục được duy trì khi em bé chào đời. Đặc biệt, những lời trò chuyện tương tác thực của cha mẹ đối với trẻ, ngay cả khi trẻ chưa biết nói là vô cùng quan trọng. Hãy kiên trì trò chuyện cùng trẻ, đa dạng hóa các bối cảnh sinh hoạt và tiếp xúc ngôn ngữ với trẻ, với một điều kiện duy nhất là trong các tương tác và môi trường ngôn ngữ đó, tất cả các hành vi ngôn ngữ đều phải chuẩn mực, thích hợp. Môi trường tiếp xúc ngôn ngữ càng đa dạng, mực thước bao nhiều thì trẻ càng có vốn liếng, kĩ năng ngôn ngữ phong phú, chuẩn mực bấy nhiêu. Điều này cũng giải thích tại sao, những trẻ em ở phố sẽ có vốn từ vựng gọi tên những thứ ở phố phong phú (ví dụ như đèn xanh, vượt đèn đỏ, cầu thang máy, siêu thị, …), còn những đứa trẻ ở quê cũng sẽ có vốn từ vựng giàu có để gọi tên những sự việc, hiện tượng gắn với quê (ví dụ như luỹ tre, chọi gà, hàng rào, chợ,…). Việc đa dạng hoá môi trường tiếp xúc nên chú ý tới tính giáo dục và tính giải trí, vì hai yếu tố này là hai yếu tố dễ dàng tạo ra được động cơ cho trẻ khám phá môi trường chung quanh và qua đó là phát triển ngôn ngữ, khả năng nhận thức một cách hiệu quả. Chẳng hạn, việc đa dạng hóa môi trường bằng cách đi chơi ở vườn thú, hay đi thả diều ở những triền đê đầy hoa cỏ, đi thăm bạn bè của ông bà bố mẹ, cho trẻ chơi cùng các anh chị lớn hơn và các em nhỏ hơn chút ít,… là những việc nên được thực hiện, phát huy. Thậm chí, một cuộc điện thoại chóng vánh của cha hoặc mẹ với trẻ khi đi công tác xa cũng có thể đem lại những tác động tốt đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, bởi rằng đây chính là một tình huống tự nhiên để trẻ “thao diễn” ngôn ngữ của mình với một động lực rất cao nhằm đáp ứng những nhu cầu về tâm lí, tình cảm với cha mẹ. Thêm vào đó, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với những không gian ngôn ngữ của cổ tích, thần thoại, đồng dao,… Ở những không gian này, bên cạnh việc có được vốn từ vựng – ngữ nghĩa giàu có, kĩ năng ngữ pháp phong phú, khả năng ngữ dụng linh hoạt, trẻ còn phát triển được cả trí tưởng tượng, óc sáng tạo,… Cũng cần biết rằng lúc trẻ vui chơi là những lúc trẻ đang “đầu tư nguồn vốn” trí tuệ, sự chú ý,… một cách hiệu quả nhất, năng lực ngôn ngữ lúc này cũng có cơ hội để được tự trau dồi, bồi đắp, phát triển nhiều nhất. Những lúc trẻ có thắc mắc, tâm sự suy nghĩ, giãi bày tâm trạng,.. là những lúc mà cha mẹ cần phải dành thời gian để lắng nghe, trò chuyện. Vốn và kĩ năng ngôn ngữ của trẻ chỉ có thể giàu có khi trẻ được cung cấp một cách giàu có các môi trường ngôn ngữ và hành động ngôn ngữ từ phía người lớn một cách tích cực, chủ động và mẫu mực. Cuối cùng và quan trọng nhất là mọi sự giúp đỡ hay hướng dẫn từ phía người lớn đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ phải tuân theo nguyên tắc vừa sức và kế cận đối đối với trẻ. Ví dụ, với một đứa trẻ chưa phân biệt và gọi tên được đúng các màu đen, trắng, xanh, đỏ mà chúng ta lại có ý định nhồi cho trẻ học cho bằng được từ đen nhẻm, trắng ởn, trắng muốt, xanh xao, đỏ chót,…thì đây là điều không thể xảy ra được, bởi lẽ trong trường hợp này cả nguyên tắc vừa sức và kế cận đều bị vi phạm do nhận thức của trẻ chưa thể hiểu được rằng đen nhẻm là một trạng thái đen chỉ dành cho da, xanh xao cũng chỉ dành cho da nhưng đó là nước da người ốm, trắng ởn chỉ được dùng để miêu tả thuộc tính trắng của răng một cách tiêu cực, còn trắng muốt dùng để chỉ màu trắng của răng nhưng với một ý nghĩa, sự đánh giá tích cực,…

Tác giả Phạm Văn Lam

Theo tạp chí Tia Sáng/ Bộ khoa học công nghệ

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=9882