Thụ đắc ngôn ngữ thứ nhất: Những thắc mắc thường gặp (kì 2)


 
Cái mà một đứa trẻ cần học chính là những gì đang tồn tại trong chính chúng, những nhu cầu phát triển thường trực do chúng đặt ra, những nhiệm vụ mà chúng phải làm, những thắc mắc cụ thể mà chúng thường gặp. Người lớn cần phải dành thời gian cho mình để hiểu điều này, cũng như phải cho trẻ có thời gian để hiểu và học những cái mà tuổi của chúng cần. 

Việc thụ đắc ngôn ngữ cần bao nhiều thời gian?

Việc thụ đắc ngôn ngữ là việc diễn ra trong một thời gian dài, cần nhiều thời gian. Đây không thể là việc cứ muốn mà được, nóng vội mà được ngay. Việc học nào cũng cần thời gian để tiêu hoá và trải nghiệm. Người lớn có thể muốn nhìn thấy kết quả của việc học nói, học ngôn ngữ ngay, nhưng rất có thể sau đó lại lo lắng vì chẳng nhìn thấy có cái gì đó như mong đợi xảy ra cả. Ở điểm này, các bậc cha mẹ cũng cần học sự kiên nhẫn chờ đợi như đứa trẻ “kiên nhẫn” học ngôn ngữ. Trẻ học ngôn ngữ thông qua các tiếp xúc, tương tác tự nhiên và mặc nhiên với người lớn trong môi trường bình thường. Ở đây có một quy tắc là tương tác, tiếp xúc nhiều thì kết quả sẽ nhiều, tương tác, tiếp xúc chuẩn và thích hợp thì kết quả tương tác, tiếp xúc cũng sẽ chuẩn và thích hợp. Các bậc cha mẹ hãy đa dạng hoá một cách chuẩn mực và phù hợp các hoạt động, các chủ đề, các môi trường tiếp xúc và học hỏi ngôn ngữ của trẻ.

Tương tác nhiều với trẻ nhưng người lớn cũng cần cho trẻ nhiều thời gian để “tự nói với mình cái gì thì nói, làm cái gì với mình thì làm” ở trong tầm kiểm soát của người lớn. Trẻ có thể thích một mình quan sát và nói chuyện với bông hoa, có thể thích vầy bùn đất lấm lem, có thể một mình tức giận với con cún con không chịu mặc quần áo, có thể nổi cơn tam bành với con mèo kêu meo meo đã làm em bé búp bê thức giấc, có thể bực mình với mẹ khi mẹ mắng bạn thú nhún không chịu đi ngủ,… Cha mẹ nên để trẻ tự do với vốn ngôn ngữ của mình khi tương tác, tiếp xúc trong những tình huống như vậy. Đó là cách tự khám phá tốt nhất của trẻ. Đó là cách tự bộc lộ, đánh giá và rèn luyện ngôn ngữ tốt nhất của trẻ. Người lớn cần biết rằng trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ của trẻ khi trẻ càng nắm và sử dụng được càng nhiều ngôn ngữ thì sự tiến bộ mà chúng ta nhìn thấy càng kém rõ rệt. (Điều này cũng đúng với quá trình học ngôn ngữ của người lớn). Chỉ đến một lúc nào đó hay trong một tình huống hoặc nhiệm vụ bất ngờ nào đó chúng ta mới chợt nhận ra được sự tiến bộ này. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ sẽ rất ngạc nhiên nếu quan sát thấy rằng con mình nói ra và sử dụng rất đúng các cách nói gần gũi nhau như làm nổi, làm được, làm cho được,…, dù rằng trên thực tế chúng ta khó hoặc không thể, hoặc cũng có thể không bao giờ có thể đưa ra được lời giảng dạy hay hướng dẫn sử dụng những cách nói này một cách chính xác và dễ dàng.

Mọi trẻ đều có tốc độ học ngôn ngữ như nhau hay không?

Việc thụ đắc ngôn ngữ cũng như sự phát triển nói chung của trẻ không phải là sự hoạt động của các cỗ máy khác nhau cho cùng một nhiệm vụ. Quá trình này cũng không phải là quá trình ganh đua có chủ đích giữa những đứa trẻ giống như chúng chạy thi hay ăn thi. Trẻ không hề tự đặt được ra cho mình một mốc hay biểu đồ phát triển, hay phải vượt qua một trình độ ngôn ngữ nào đó mà cha mẹ đặt ra cho chúng. Chúng tự thi đua với chính chúng theo tốc độ và ngưỡng đạt được của chính mình. Một đứa trẻ biết nói sớm hay sử dụng ngôn ngữ giỏi ở một thời điểm nào đó không tất yếu nói lên rằng đến khi 18 tuổi chúng sẽ có ngôn ngữ hay năng lực giao tiếp giỏi hơn, hay có một sự lựa chọn nghề nghiệp thông minh hơn một đứa trẻ chậm biết nói. Năng lực ngôn ngữ chỉ là một phần trong số những thứ mà đứa trẻ phải học tuần tự, tự nhiên. Một đứa trẻ chậm nói hoàn toàn có thể có một năng lực nào đó tốt hơn một đứa trẻ nói giỏi. Vấn đề là ở chỗ một đứa trẻ chậm nói rất có thể đã “đầu tư” năng lực của mình vào một nhiệm vụ nào đó khác nhiệm vụ ngôn ngữ nên chúng có thể không giỏi ngôn ngữ. Trường hợp những đứa trẻ giỏi toán, hay giỏi vẽ, hay giỏi vận động nhưng lại kém giỏi ngôn ngữ có thể giúp chúng ta hình dung điều này.

Học ngôn ngữ là một quá trình tự nhiên. Mọi cái mà trẻ có ý định học đều phải cần có những điều kiện hay nền tảng tất yếu nào đó. Trẻ chỉ học cái gì đó khi bản thân chúng đã sẵn sàng có hứng thú. Chúng có thể nói như vẹt những gì mà người lớn cố gắng dạy chúng, nhưng câu chuyện chúng có hiểu và tháo gỡ những kết cấu ngôn ngữ đó ra để sử dụng hay không lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, chúng ta cần tận dụng điều này để giúp trẻ phát triển lời nói ở phương diện ngữ âm thuần tuý, tức là phát triển khả năng nói tròn vành rõ chữ. Điều này giải thích tại sao đôi khi chúng ta chỉ chú ý đến việc dạy trẻ học hát hay học thuộc một vài câu đồng dao thuần tuý, mà không hề quan tâm hay ý thức được rằng ở tầm tuổi phát triển đó, trẻ không thể hiểu nổi và tháo gỡ các kết cấu ngôn ngữ ở đó ra để sử dụng lại bình thường như chúng ta hằng nghĩ và trông đợi. 

Một con vẹt học nói chỉ để nói. Một đứa trẻ học nói là để hoạt động, nhận thức, phát triển, để trang bị cho mình nhận thức và tư tưởng, để hình thành thế giới quan và nhân sinh quan của riêng mình,… Cái mà một đứa trẻ cần học không phải là những gì ở trong sách vở, không phải là những gì quá sức nhưng lại rất tốt đẹp mà các bậc cha mẹ muốn dành cho con mình, không phải là một mẫu hình người lớn nào đó ngoài trẻ, mà đó chính là những gì đang tồn tại trong chính chúng, những nhu cầu phát triển thường trực do chúng đặt ra, những nhiệm vụ mà chúng phải làm, những thắc mắc cụ thể mà chúng thường gặp. Người lớn cần phải dành thời gian cho mình để hiểu điều này, cũng như phải cho trẻ có thời gian để hiểu và học những cái mà tuổi của chúng cần. 
 
Trẻ kiểm soát quá trình thụ đắc ngôn ngữ như thế nào?

Người lớn hiểu trẻ có nghĩa là người lớn đã tôn trọng hay biết tôn trọng trẻ, và ngược lại. Trẻ con không phải là người lớn. Trẻ con sẽ tự đặt ra chiến lược và tự tạo ra cơ chế phát triển ngôn ngữ của chính mình đối với việc học những thứ mà chúng cảm thấy quan trọng đối với chúng. Cái chúng cần học là những cái mới, dù rằng những cái mới này luôn là cái cũ hay không cần thiết đối với người lớn. Chiến lược và cơ chế phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng vậy. Thực ra thì trong quá trình phát triển, trẻ là những nhân vật hết sức sáng tạo, năng động, giàu nghị lực và năng lượng học hỏi hơn người lớn, và hơn những gì chúng ta tưởng, thậm chỉ là lầm tưởng về trẻ. Năng lực học hỏi nói chung và năng lực học ngôn ngữ nói riêng của trẻ là cái mà người lớn chúng ta không bao giờ có được và rèn luyện nên được.

Trẻ không hề có trong mình một ý niệm lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ của mình như các bậc cha mẹ thường có về chúng. Ngôn ngữ chỉ là một công cụ để thực hiện một cái gì đó mà thôi. Khi một quả bóng lăn ra ngoài tầm tay trẻ, trẻ có thể khóc thét lên, nhưng việc khóc thét lên này không phải là vì sự khóc thét mà vì một nhu cầu đại loại là “muốn bố nhặt cho quả bóng ở ngoài sân”, hay “muốn mẹ kều quả bóng từ gầm giường ra”, hay “muốn anh với quả bóng mắc ở trên cây xuống”, hay “muốn chị vớt quả bóng ở dưới giếng lên”, vân vân và vân vân. Cha mẹ hãy để con cái mình trải nghiệm ngôn ngữ của chúng theo cách của chính chúng, dẫu rằng với con mắt người lớn những cách nói đó có thể là những cách áp dụng chưa hợp, cần phải chỉnh sửa. Tự bản thân trẻ sẽ dần tìm ra được một ngôn ngữ thích hợp để biểu đạt điều này. Chẳng có gì là lo lắng khi một đứa trẻ không phát âm được như người lớn, hay như những đưa trẻ hàng xóm, hoặc như một thần đồng ngôn ngữ ở trên ti vi. Cha mẹ chỉ nên và phải lo lắng khi con mình không thể phát âm được âm như chính chúng có thể nói mà thôi. Ở mỗi một gia đình, không ai có thể hiểu điều này hơn chính cha mẹ hay người chăm sóc của chúng cả. Vì rằng những người này là những người nắm vững biểu đồ diễn tiến ngôn ngữ của trẻ một cách rõ rệt và trung thực nhất.

Trẻ cũng không có suy nghĩ rằng có cái gì đó đang trông đợi chúng ở phía trước. Các bậc cha mẹ có thể đang tìm kiếm những cái có hoặc không có thể có trong ngôn ngữ của trẻ. Chúng ta nhiều khi không nhìn ra những cái mà trẻ đang có mà chúng ta lại có xu hướng nhìn ra những cái mà trẻ không có. Nhiều người cho rằng chỉ có một ngôn ngữ đúng ngữ pháp với một số lượng từ lớn và hệ thống quy tắc phức tạp thì mới là ngôn ngữ. Suy nghĩ như vậy rất có thể là suy nghĩ sai. Ngôn ngữ kì thực phức tạp hơn vậy. Trẻ có thể thích ngữ điệu biểu cảm của cô giáo dạy mầm non hàng xóm, có thể thích sử dụng ngôn ngữ cử chỉ của mấy anh choai choai ở trường để thay vào đó, thay vào những chỗ mà theo như người lớn đáng ra là phải thế này hay thế kia. Trên thực thực tế, rất có thể là trẻ đã từng gặp một cách biểu đạt nào đó ở đâu đấy mà cha mẹ không biết, trong khi ấy cha mẹ chỉ muốn trẻ biểu đạt theo cách của mình hình dung hay của mình có, mình biết. Trẻ có thể chỉ không biết rằng mô hình ngôn ngữ mà chúng đã sử dụng hay đang sử dụng đó có thực sự là thích hợp hay không thích hợp, đúng hay sai hay không mà thôi. Chúng luôn học cách sử dụng ngôn ngữ thực tế bằng một phép thử, một phép loại suy từ chỗ sử dụng này sang chỗ sử dụng khác. 

Trẻ sử dụng chiến lược gì trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ?

Trong quá trình vận động phát triển từ tuổi ấu thơ, tất cả chúng ta đều học một cái gì đó theo một trong hai cách sau: Học bằng tiếp xúc hay làm trực tiếp theo kiểu vật lí (ví dụ như đi, bò, trườn). Học bằng tiếp xúc trí tuệ thông qua sự khái quát hoá hay loại suy những trải nghiệm đã có. Cách học thứ hai là cách học ngôn ngữ thường trực của trẻ. Cách học này diễn ra theo chiều tuần tự từ cái dễ lên cái khó, từ cái đã biết đến cái chưa biết, từ cái mơ hồ đến cái xác thực, từ cụ thể đến trừu tượng,…Điều này giải thích tất cả những gì mà trẻ có được về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, và ngữ dụng. 

Lấy ví dụ. Ngôn ngữ của chúng ta có những âm dễ và có những âm khó phát âm. Trẻ sẽ học các âm dễ phát âm trước các âm khó. Trẻ bắt đầu lời nói của mình từ những tiếng bập bẹ. Những âm mà chúng bập bẹ là những âm dễ phát âm, không tốn nhiều năng lượng. Những âm này là những âm mà trẻ sẽ dùng để nói những lời đầu tiên trong đời mình. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, các âm phát âm bằng đầu lưỡi là i, ê, e  luôn là những âm khó phát âm hơn các âm giữa lưỡi hay gốc lưỡi như a, ơ, ư. Trẻ sẽ nói được các âm a, ơ, ư trước các âm i, ê, e. Tương tự như vậy, trẻ sẽ nói được các từ có dấu nặng, dấu sắc trước các từ có dấu ngã, hỏi. Trẻ sẽ nói được các âm m, p, b trước các âm n, t, đ, v.v. Trẻ sẽ “ưa thích” cách nói ăm mơm hơn là ăn cơm. Trẻ sẽ “ưu tiên” sử dụng những cách nói ngắn hơn cách nói dài, v.v.

Dù trẻ học âm dễ trước âm khó, nhưng thực tế âm nào là dễ hay khó với các đứa trẻ khác nhau sẽ rất khác nhau. Mỗi đứa trẻ sẽ có chiến lược học ngôn ngữ của riêng mình. Điều quan trọng là có sự tiến bộ hay không trong kết quả của chiến lược học ngôn ngữ đó mà thôi.

Liên quan đến việc học phát âm của trẻ, cha mẹ cần biết rằng các bộ phận được sử dụng vào việc phát âm ngay từ đầu có chức năng khác đó là chức năng sinh học: phổi dùng để thở; môi để che chắn khoang miệng, phần ngạc mềm (khu vực vòm bên trên ở phía trong miệng) dùng để ngăn giữa khoang miệng và khoang mũi; lưỡi dùng để đảo, nếm thức ăn; răng dùng để nghiền, cắt thức ăn,… Cho nên cần phải ý thức được rằng ngôn ngữ nói của trẻ được hình thành và phát triển, hoàn thiện cùng quá trình hình thành, phát triển hoàn thiện chính các bộ phận này. Một đứa trẻ hở môi, hở hàm ếch, lưỡi ngắn,… đương nhiên ảnh hưởng một cách trực tiếp và nghiêm trọng đến sự phát triển ngôn ngữ nói của trẻ. 

Tương tự như vậy, trẻ sẽ học được ngữ nghĩa và cách diễn đạt của từ ăn, trước các từ xơi, dùng, đánh chén,…, ngữ nghĩa và các sử dụng của từ chết trước từ mất, hi sinh, từ trần, băng hà, ngoẻo,… Trẻ sẽ học được cách nói chim hót trước chim hót híu lo, chim hót líu lo  trước chim hót líu lo trên cành, chim hót líu lo trên cành cây xà cừ trồng trước sân trường,… Trẻ sẽ học và nói được từ chim trước chim sẻ, chim bồ câu, chim chào mào. Trẻ sẽ học được từ gọi tên những con chim quen thuộc và điển hình trước những từ như chim đà điểu, chim cánh cụt,… Trẻ sẽ hiểu được rằng đã là chim thì phải “có cánh, biết bay” trước khi hiểu được rằng có những loài chim “không biết bay, không có cánh dài” như chim cánh cụt. Trẻ hiểu được rằng đã là quả thì phải “ăn được, có vỏ, có hạt nằm bên trong, và có hình tròn” trước khi hiểu được rằng có một số loài quả không như vậy. V.v.

 
Tác giả Phạm Văn Lam

Theo tạp chí Tia Sáng/ Bộ khoa học công nghệ