Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trước tuổi đến trường (Kỳ 2)

 

Nếu ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi, năng lực bắt chước ngôn ngữ của trẻ chính thức được hình thành thì ở giai đoạn 12-24 tháng tuổi, quá trình học ngôn ngữ của trẻ bước sang một giai đoạn mới – trẻ đã có thể sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để tiến hành giao tiếp.

 

Giai đoạn 6-12 tháng tuổi

Bước vào giai đoạn này, những thành tựu ngôn ngữ mà trẻ có được ở giai đoạn trước phát huy mạnh mẽ. Năng lực nghe và phát âm của trẻ tiến bộ rõ rệt. Ngay từ đầu giai đoạn, trẻ đã chủ động tiến hành các hoạt động lời nói hơn trước. Tháng thứ chín và mười là những tháng đánh dấu sự thay đổi đáng kể sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Ở tháng thứ bảy, trẻ liên tục bập bẹ các âm như ba ba, pa pa, ma ma, da da,… nhưng những âm này vẫn chưa phải là những âm thanh của ngôn ngữ mẹ đẻ được dùng để gọi tên ba mẹ. Sang tháng thứ tám, trẻ liên tục bập bẹ bắt chước máy móc âm thanh của người lớn. Vào tháng thứ chín, ngôn ngữ cử chỉ (đi kèm những tiếng bập bẹ) của trẻ được xác lập và tăng cường một cách hữu thức; trẻ đã có thể biết vẫy tay tạm biệt, đập tay vào nhau để hoan hô,… Đến tháng thứ mười, trẻ đã có thể nhận ra những âm thanh ngôn ngữ mà bấy lâu nay trẻ tập trung nghe và bập bẹ theo là có nghĩa; trẻ dường như ý thức được chuyện này và liên tục bắt chước, tập phát âm theo người lớn một cách hữu thức. Đến tháng thứ 11, trẻ vẫn bập bẹ bắt chước nhưng có vẻ đã đầu tư sự chú ý của mình vào việc rèn luyện một số âm riêng rẽ. Cho đến tháng 12, trẻ bắt đầu nói chuyện một cách có ý thức; những từ ngữ có nghĩa đầu tiên mà trẻ dùng để nói chuyện (thường dùng để gọi với mục đích phục vụ cho các nhu cầu ăn uống, vui chơi của trẻ) là những từ mẹ, mạ, bà, ba, bố.

 

Ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi, số từ mà trẻ có thể hiểu có thể lên tới con số hàng trăm.


Ở giai đoạn này, trẻ thực sự cảm nhận và phản ứng tích cực với việc mình được gọi tên. Số từ mà trẻ có thể hiểu có thể lên tới con số hàng trăm, trong đó trẻ dễ phản ứng theo những từ như bà, mẹ, bố, hôn, thơm, tạm biệt, há miệng, bế, đi chơi, về, đi làm, bú, ti,… Đồng thời, trẻ cũng đã nhận biết và có phản ứng phù hợp và rõ ràng với những lời nói tích cực (âu yếm, cưng nựng, cười đùa), những lời nói tiêu cực (tiếng quát mắng, cáu giận) hay lời nói “không” của cha mẹ. Trẻ cũng đáp ứng được một số mệnh lệnh đơn giản của cha mẹ, như biết há miệng khi mẹ nói há miệng trong lúc cho ăn, biết chu môi ra để thơm má mẹ, đưa tay cho mẹ thơm, hay vòng tay ôm choàng mấy cổ mẹ,… Bên cạnh đó, trẻ có thể phản ứng và hưởng ứng một cách đều đặn các trò chơi quen thuộc của người lớn dành cho trẻ (như trò ú òa, thọc lét,…), hiểu được hành động bẹo má nhẹ kèm lời mắng yêu mà không khóc. Trẻ đã thực sự có thể vẫy tay chào tạm biệt khi được yêu cầu.

Dù trẻ có nói giỏi đến đâu, các lỗi ngữ âm vẫn tồn tại và có thể xem chúng như là một chỉ dấu cho sự phát triển ngôn ngữ thực sự của trẻ. Trẻ nói từ càng khó thì càng dễ phát âm sai. Trẻ nói ra ý định càng phức tạp thì càng dễ nói sai.

Trẻ cũng đã định hướng được một cách rõ ràng nguồn phát ra âm thanh, bị hấp dẫn bởi các âm thanh lạ, sôi động và có thể có phản ứng với tiếng chuông điện thoại hay tiếng gõ cửa. Thêm vào đó, trẻ đã có thể sử dụng âm thanh của mình phát ra để bộc lộ sự vui mừng hay cáu gắt, khó chịu như cười hoặc kêu lên khi được người lớn rủ đi chơi, khóc thét lên ngay lập tức khi bị quát mắng. Khả năng bắt chước âm thanh của trẻ tăng lên rõ rệt – trẻ đã có thể bắt chước tiếng chặc lưỡi của cha mẹ hay một số âm thanh đơn giản gồm hai âm tiết như ba ba, pa pa, a pu, a chạ,… Giai đoạn này được coi là giai đoạn mà năng lực bắt chước ngôn ngữ của trẻ chính thức được hình thành.

Trong nửa đầu giai đoạn 6-12 tháng tuổi, cách phát âm của trẻ có sự tiến bộ rõ rệt. Trẻ đã có thể phát ra được một số phụ âm môi, mặt lưỡi, gốc lưỡi và họng như b, p, ch, g, h,… và bập bẹ một số âm thanh gồm hai âm tiết như ba ba, bha bha, dha dha, cha cha, ma ma, ây ây… Những âm thanh này có thể được trẻ phát ra với những ngữ điệu khác nhau trong các thời điểm khác nhau. Trong một lần hít thở, trẻ có thể nói ra được khoảng 4 – 5 tiếng mà trẻ bắt chước theo người lớn hoặc tự nói ra trong lúc chơi một mình. Những âm thanh này sẽ được trẻ lặp đi lặp lại một mình vô điều kiện. Có thể coi đây là những âm thanh phổ quát mà trẻ nói ngôn ngữ nào cũng nói nhưng lại chưa phải là những âm thanh của ngôn ngữ mẹ đẻ đích thực vì chúng chưa gắn với những nội dung hay ý định cần biểu đạt mà chỉ thuần túy tự phát.

Cần chú ý rằng, bất kì hành động dù bằng âm thanh hay bằng cử chỉ nào của trẻ (như kêu chạ chạ, ta ta, đa đa, bha bha,…, lắc đầu, vẫy tay, há miệng,…) để phản ứng lại người lớn không thể hình thành ngay từ lần trẻ tiếp nhận đầu tiên mệnh lệnh hay kích thích từ phía người lớn, mà đó là kết quả của sự thực hiện mệnh lệnh hay kích thích một cách liên tục, đều đặn và thống nhất đối với trẻ. Ở giai đoạn này, năng lực chủ động tạo ra các âm thanh có nghĩa đơn giản của trẻ phải được đánh giá đúng. Trẻ có thể biết hoặc không biết nghĩa của những từ thực sự đầu tiên này nhưng chúng sẽ nhanh chóng nắm được sức mạnh hành động mà những từ ngữ này đem lại khi nói ra để từ đó có thể chủ động tăng cường các hoạt động ngôn ngữ đầu tiên, và phản ứng lại những hành động ngôn ngữ có chứa chính những từ đầu tiên này.

Cuối giai đoạn 6-12 tháng tuổi, thanh quản của trẻ tụt sâu xuống dưới để tạo ra một khoang cộng hưởng đủ lớn, giúp trẻ phát ra các âm thanh ngôn ngữ chân chính. Trẻ có thể bập bẹ những âm thanh đầu tiên của ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Những từ đó thường là những từ bà, mẹ/ mạ, ba, nhăm, măm,… Khi nói ra được những từ như vậy thì trẻ cũng đã bắt đầu biết kết hợp giữa cử chỉ và ngôn ngữ của mình để thực hiện các yêu cầu đơn giản, chẳng hạn như trẻ có thể kêu mẹ hay bà (thậm chí là khóc) và đồng thời trỏ tay vào những gì mà chúng muốn. Ở một khía cạnh nào đó, có thể xem đây là thời điểm đánh dấu chính thức quá trình biết nói và học nói của trẻ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ở cuối giai đoạn này, sự quy gán nghĩa cho các từ ngữ mà trẻ phát ra và sự gán nghĩa cho những từ mà trẻ tiếp thu, nhắc lại được không thực sự thường xuyên, liên tục và ổn định.

Ở giai đoạn này, nếu trẻ có các biểu hiện như không phản ứng với tiếng động chung quanh, không quay đầu tìm chỗ tiếng động phát ra, khi khóc không thể dỗ được, không cười đáp ứng hành động của người lớn, không tự phát ra các âm thanh the thé, không tự bập bẹ lặp đi lặp lại các âm như pa pa, ma ma,…; không biết chơi các trò chơi bằng âm thanh ngôn ngữ (như trò ú òa) với người lớn;… thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám.

Giai đoạn 12-18 tháng tuổi

Đa số trẻ có thể nói ra những từ đầu tiên của ngôn ngữ mẹ đẻ khi tròn một tuổi. Bắt đầu từ đây, quá trình học ngôn ngữ của trẻ bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mà trẻ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ một cách chính thức để tiến hành giao tiếp. Đến 18 tháng tuổi, trẻ đã phát hiện ra rằng mỗi sự vật, hiện tượng, hành động đều có tên gọi riêng của mình. Đây chính là điểm xuất phát khiến trẻ có thể bước vào giai đoạn bùng phát ngôn ngữ ở thời kì tiếp theo.

Trẻ đã có thể nghe hiểu và đáp ứng các hành vi định danh và mệnh lệnh thân thuộc. Các mệnh lệnh đơn giản của người lớn đối với trẻ chung quanh chuyện ăn, uống, ngủ, đi vệ sinh, chơi trò chơi,… đã được trẻ hiểu và đáp ứng đầy đủ. Sự kết hợp thường xuyên, liên tục và ổn định giữa ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ cử chỉ (dùng để hỗ trợ ngôn ngữ lời nói) của trẻ ở giai đoạn này được thể hiện rõ hơn. Trẻ đã có thể biết và sử dụng tên gọi cho khoảng 10 – 20 đồ vật. Trẻ thường gọi tên đồ vật, hành động gần gũi với mình bằng các từ tượng thanh, tượng hình. (Thực chất, ở giai đoạn này, người lớn chúng ta cũng ưa thích sử dụng những từ tượng thanh, tượng hình để giao tiếp với trẻ, giúp cho trẻ dễ hiểu). Những người thân trong gia đình, những bộ phận của cơ thể người, những đồ chơi của trẻ sẽ được trẻ gọi tên và được đáp ứng về mặt từ ngữ khi có người khác hỏi đến. Trẻ đã biết gọi tên cha mẹ mình, biết tập trung chú ý đến các cuộc nói chuyện của người lớn trong một vài phút. Trẻ thường tự chơi và tự lẩm bẩm một mình nhiều hơn và trong những lúc đó, trẻ có thể tự nghĩ tự nói ra khá nhiều từ ngữ mới mẻ theo cách riêng của mình. Những tiếng nói bi bô của trẻ trong giai đoạn này đã có ngữ điệu và biểu hiện xúc cảm nhất định. Những câu cảm thán (A! Ah!! Ồ!) được trẻ sử dụng thường xuyên hơn. Trẻ đã bắt chước được từ vựng của người khác tại các hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Chính vì thế mà các bước tiến về mặt từ vựng của trẻ liên tục được xác lập. Những từ ngữ mà chúng ta nghe tưởng chừng như rời rạc ấy đều là những phát ngôn hoàn chỉnh của trẻ, được trẻ sử dụng để biểu đạt nhiều ý định giao tiếp khác nhau. Cùng là câu nói Mẹ! Mẹ! nhưng câu nói ấy có n ý định giao tiếp khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Đó có thể là một lời mách mẹ vì bố đang trêu chòng mình, cũng có thể là đòi mẹ cho bú, nhờ mẹ lấy giúp đồ chơi, hay đòi mẹ cho đi chơi,… Những từ ngữ và câu nói mà trẻ nói ra trong giai đoạn này chưa thực sự tròn vành rõ chữ và dường như chỉ có cha mẹ hay những người chăm sóc gần gũi trẻ mới có thể lí giải và hiểu được chính xác các ý định giao tiếp của trẻ.

Ở cuối giai đoạn này, khi hỏi trẻ những câu hỏi như ở đâu, cái gì, chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời thường xuyên và ổn định hơn trước nhiều, do chỗ trẻ đã biết gọi tên một số vật quen thuộc với mình, đã biết sử dụng ngón trỏ đi kèm lời nói. Có thể nói sức mạnh ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn này được tăng cường đáng kể nhờ vào năng lực sử dụng ngón trỏ – phương tiện hữu hiệu để trẻ thể hiện các yêu cầu của mình và để đáp ứng yêu cầu của người khác khi ngôn ngữ nói không có khả năng đáp ứng hoặc đáp ứng không tốt.

Tuy nhiên, dù trẻ có nói giỏi đến đâu, các lỗi ngữ âm vẫn tồn tại và chúng ta có thể xem chúng như là một chỉ dấu cho sự phát triển ngôn ngữ thực sự của trẻ. Trẻ nói từ càng khó thì càng dễ phát âm sai. Trẻ nói ra ý định càng phức tạp thì càng dễ nói sai. Đặc biệt, trong giai đoạn này, những lỗi ngữ pháp trong cách kết hợp từ được bộc lộ rõ ràng nhất. Lỗi ngữ pháp mà trẻ thường mắc là lỗi nói sai trật tự từ (nói bế bà thay cho bà bế,…), nói thiếu từ (thường là thiếu chủ ngữ và bổ ngữ). Những lỗi ngữ pháp này, đối với trẻ, thực chất là thành quả bước đầu của sự tổ chức kết hợp các đơn vị ngôn ngữ lại với nhau để biểu đạt các ý định giao tiếp. Cũng giống như lỗi ngữ âm (lỗi ngữ âm có thể kéo dài hơn, nhất là đối với trẻ ngọng), lỗi ngữ pháp sẽ nhanh chóng lần lượt được trẻ tự sửa chữa và thay thế một cách tự nhiên trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Từ giai đoạn này trở đi, cha mẹ cần luôn ý thức được mấy việc quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Thứ nhất, số lượng, tần suất, chất lượng tương tác ngôn ngữ của người lớn đối với trẻ có thể tác động trực tiếp tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Cho nên, cha mẹ cần chủ động và tích cực nói nhiều, nói chuẩn và phải nói sao cho vừa sức hiểu của trẻ. Thứ hai, bắt đầu từ đây trở đi cho đến khi trẻ chính thức bước chân vào lớp Một, giữa ngôn ngữ nói thành lời của trẻ và ngôn ngữ tồn tại bên trong trẻ, giữa ngôn ngữ mà trẻ nói ra với ngôn ngữ mà trẻ có thể nghe hiểu, giữa ngôn ngữ mà trẻ học được và ngôn ngữ mà trẻ được học,… không hề đồng nhất với nhau. Ngôn ngữ mà trẻ nói ra thành lời có thể không chuẩn, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh giá sai sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Việc trẻ nói sai âm, sai ngữ pháp, sử dụng từ sai hoàn cảnh là điều bình thường và tất yếu đối với quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, những lỗi này sẽ tự mất đi theo thời gian và theo sự trưởng thành về mặt ngôn ngữ của trẻ. Ngôn ngữ mà trẻ có thể nói ra luôn nhỏ hơn ngôn ngữ mà trẻ có thể nghe hiểu. Ngôn ngữ mà trẻ học được và hiểu được nhưng có thể không nói ra được một cách tự nhiên luôn lớn hơn cái ngôn ngữ mà trẻ nói ra rành rọt một cách tự nhiên. Ngôn ngữ mà người lớn có ý định dạy dỗ trẻ có thể lớn hơn ngôn ngữ mà trẻ học được thực sự. v.v. Thứ ba, bất kì uốn nắn ngôn ngữ đột xuất, không liên tục và bền bỉ nào cũng không đem lại kết quả như ý muốn. Chỉ có những sự uốn nắn ngôn ngữ kiên trì, bền bỉ mới giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường, tự nhiên và nhanh chóng. Nắm được điều này thì chúng ta mới có thể liên tục tạo ra những tương tác ngôn ngữ phù hợp và có lợi đối với trẻ (như kể chuyện cho trẻ nghe, dạy hát cho trẻ,…), tác động đúng vào vùng phát triển gần nhất của trẻ để trẻ có thể tối ưu hóa kết quả của những tiếp xúc ngôn ngữ với môi trường chung quanh.

Ở giai đoạn 12-18 tháng tuổi, nếu như trẻ vẫn chưa biết bi bô những từ ngữ như ba ba, ma ma, cha cha,…, không biết sử dụng ngón trỏ kết hợp hay hỗ trợ lời nói,…, không hiểu hay không đáp ứng các mệnh lệnh thân thuộc,…, thì cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám để nắm được tình hình.
(Còn tiếp)

Tác giả Phạm Văn Lam

Theo tạp chí Tia Sáng/ Bộ khoa học công nghệ