Không chỉ là chuyện thi trắc nghiệm

 

Chiều 28 – 9, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án thi THPT và xét tuyển ĐH, CĐ 2017. Theo phương án này, môn Toán là một trong những môn thi bắt buộc, được tiến hành theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức thi này, dư luận đã có những ý kiến trái chiều nhau, đồng ý cũng có mà phản đối cũng có. Bài viết này không đi vào đánh giá hay bình luận về Phương án thi THPT nói chung mà chỉ nêu một số ý kiến cá nhân về việc thi trắc nghiệm khách quan đối với môn Toán

 

Yêu cầu và mục đích của kì thi THPT có phải là đánh giá tư duy nói chung và tư duy Toán học nói riêng?

 

Hình thức, nội dung, đề thi, thời gian làm bài của môn Toán

Với Phương án tổ chức kì thi THPT 2017, bài thi Toán là một bài thi bắt buộc, được tiến hành theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng (giữa hai đề thi sẽ có khoảng 20% nội dung câu hỏi giống nhau); thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính.
Về nội dung thi, năm 2017 nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 cấp THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 cấp THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT. Về đề thi, đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ; đề thi có 50 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi trắc nghiệm có bốn phương án trả lời với duy nhất một phương án trả lời đúng.
Về thời gian làm bài thi, thời gian làm bài là 90 phút.
Như vậy, có thể nói rằng nội dung phương án thi trắc nghiệm môn Toán được quy định và thể hiện khá rõ ràng.

Những luồng ý kiến khác nhau về bài thi trắc nghiệm môn Toán

Sau khi công bố Phương án thi THPT, dư luận đã có nhiều đánh giá nhận xét khác nhau trên nhiều phương diện (như thời gian làm bài thi, cách ghép thi các môn để tạo thành tổ hợp bài thi…). Tuy nhiên, môn Toán lại là môn thi nhận được nhiều ý kiến đánh giá, phản biện nhất. (Trong khi đó, một số môn vốn đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan như Vật lí, Hoá học thì lại không vấp phải những phản ứng trái chiều như vậy). Đây có lẽ cũng là một điều dễ hiểu bởi lẽ truyền thống giáo dục Việt Nam trước nay vốn đã quen với hình thức thi tự luận. Có thể tóm tắt những ý kiến này thành ba luồng chính: ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm; đề nghị hoãn áp dụng hình thức thi trắc nghiệm và cần phải nghiên cứu thêm; bác bỏ hoàn toàn hình thức thi trắc nghiệm.
Cả ba luồng ý kiến này đều xuất phát từ những người tâm huyết, rất có trách nhiệm (bất luận họ là phụ huynh học sinh, giáo viên, nhà nghiên cứu, quản lí giáo dục, hay là một người đam mê và yêu thích toán học thuần tuý) đối với công việc nghiên cứu khoa học, giáo dục nói chung và thi Toán nói riêng, dù rằng góc nhìn và sự ưu tiên lẫn “cái lí” của họ đối với vấn đề có thể không như nhau. Đa số những người ủng hộ phương án thi trắc nghiệm đều là những nhà quản lí và giáo viên đứng lớp; cũng có một số nhà toán học ủng hộ với một sự thận trọng nhất định bằng việc gắn cụm từ “nếu được chuẩn bị tổ chức tốt”. Còn những người phản đối, những người đề nghị hoãn áp dụng và cần nghiên cứu thêm chủ yếu lại là những nhà toán học ở các viện nghiên cứu và trường đại học.
Những người ủng hộ cho rằng thi trắc nghiệm có ưu điểm quan trọng là đỡ tốn kém, dễ áp dụng; kết quả đánh giá khách quan; có độ bao phủ kiến thức tốt. Những người còn lại thì một mặt thừa nhận những ưu điểm trên, nhưng mặt khác lại nêu ra một hạn chế đáng chú ý của hình thức thi trắc nghiệm là chỉ đánh giá được kết quả chứ không đánh giá được quá trình tư duy đi đến kết quả, theo đó là không có khả năng đánh giá được học sinh có năng lực toán học (bên cạnh các hạn chế như: việc tổ chức thi cập rập, có tính chất thời vụ, dễ gây hoang mang và lo lắng cho cả người dạy và người học, thậm chí có thể làm hỏng những thành tựu toán học đã có; nghi ngờ năng lực và chất lượng, kết quả biên soạn đề thi của Bộ GD&ĐT do việc này chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn).

Yêu cầu và mục đích của kì thi THPT có phải là đánh giá tư duy nói chung và tư duy Toán học nói riêng?

Yêu cầu của kì thi THPT là kiểm tra, đánh giá kiến thức tổng quát của học sinh, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn một cách cơ bản để phân loại học sinh, từ đó đi đến quyết định đỗ tốt nghiệp hay không đỗ tốt nghiệp; đủ trình độ học đại học hay không đủ trình độ học đại học. Như thế, kì thi THPT quốc gia có mục đích là lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Có lẽ chính vì vậy mà sự băn khoăn của một số nhà khoa học về việc thi trắc nghiệm chỉ phản ánh được kết quả chứ không phản ánh được quá trình tư duy đi đến kết quả là một băn khoăn dù đúng với bản chất của hình thức thi trắc nghiệm nhưng khó có thể được xem là một lí do có sức thuyết phục để phản đối hình thức thi này. Nếu coi đây là lí do để phản đối trắc nghiệm thì môn học nào cũng có lí do để phản đối thi trắc nghiệm vì rằng môn học nào cũng dạy học sinh tư duy đặc thù của nó bên cạnh việc dạy kiến thức.
Thêm vào đó, việc thi THPT dù được tiến hành dưới hình thức tự luận hay trắc nghiệm thì cuối cùng cũng chỉ đi đến một kết quả duy nhất là để xem học sinh có đủ điều kiện hay tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp và vào đại học hay không mà thôi. Đây là một kì thi để xét tốt nghiệp và xét chuyển bậc học, chứ không phải là kì thi tuyển chọn những anh thợ giải toán hay những anh thợ viết văn lành nghề. Việc đánh giá năng lực tư duy giải toán nói riêng và năng lực tư duy chuyên biệt của từng môn học không phải là nhiệm vụ của kì thi này. Muốn đánh giá một năng lực chuyên biệt hay khả năng đặc biệt nào đó của học sinh, người ta luôn cần đến các bài thi, kì thi riêng.
Tư duy của học sinh là cái được hình thành, bộc lộ và được đánh giá từ quá trình dạy và học chứ không phải được hình thành, bộc lộ và được đánh giá từ trong một bài thi. Cũng cần lưu ý rằng bất kì môn học nào cũng có nhiệm vụ chính là cung cấp kiến thức về môn học đó. Môn học nào cũng vậy, bên cạnh việc cung cấp tri thức chuyên biệt của mình còn phải giúp học sinh hình thành phương pháp tư duy chuyên biệt theo kiểu tư duy của chính môn học đó. Toán học có kiểu tư duy của toán học, cũng như văn học có kiểu tư duy của văn học, lịch sử có kiểu tư duy của lịch sử… Cho nên, quan niệm cho rằng giáo dục toán học ở bậc học phổ thông không nhằm mục tiêu chính là cung cấp kiến thức rộng, mà mục tiêu quan trọng nhất là rèn luyện tư duy, dạy học sinh biết cách tìm hiểu vấn đề, suy nghĩ thấu đáo về một vấn đề và tìm ra phương pháp giải phù hợp là một quan niệm không có sức thuyết phục, nếu không muốn nói là sai về mục tiêu giáo dục.

Thi trắc nghiệm có ảnh hưởng tiêu cực đến cách dạy và học Toán?

Công bằng mà nói trong giáo dục mệnh đề học gì thi nấy luôn đồng tồn cùng thi gì học nấy. Thực chất câu nói này là gì? Học gì thi nấy, thi gì học nấy là những cách nói nhấn mạnh đến khía cạnh nội dung dạy học và thi cử chứ không  nhấn mạnh đến cách dạy học và cách thi cử. Học gì thi nấy, thi gì học nấy là câu chuyện liên quan và chi phối tới cả cách thi tự luận lẫn trắc nghiệm. Vì vậy, cũng không nên e ngại quá rằng việc thi trắc nghiệm sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến cách dạy và học ở trong nhà trường, bởi vì mỗi một kiểu thi kiểu học đều có những điểm mạnh điểm yếu riêng, đều có những yêu cầu riêng. Việc thi cử có thể để xảy ra những sai sót, tiêu cực, gian lận, may rủi một cách cố ý,…, việc đua nhau học vẹt học tủ, đua nhau học nhồi nhét, học thêm,… là một thứ virus đang phá hoại nền giáo dục nói chung và phong cách dạy học thi cử nói riêng do chúng ta không có định hướng giáo dục rõ ràng, chứ không thể là hệ quả trực tiếp của việc tiến hành thi trắc nghiệm hay thi tự luận.

Sự khác biệt giữa thi tự luận và thi trắc nghiệm

Về bản chất, thi tự luận (trắc nghiệm tự luận) hay thi trắc nghiệm (trắc nghiệm khách quan) đều là trắc nghiệm (test), và đều là những phương tiện đánh giá kết quả giáo dục của người dạy đối với người học, kiểm tra trình độ kiến thức hiện tại của người học có đáp ứng được mục tiêu giáo dục đã đề ra hay không, có khả năng học tiếp lên cao hay không… Sự phân biệt giữa thi tự luận và thi trắc nghiệm khách quan là sự phân biệt có tính hình thức, chứ không có nghĩa là cứ trắc nghiệm khách quan là đảm bảo được tính “khách quan”. Xét ở một khía cạnh nào đó, cả thi tự luận lẫn thi trắc nghiệm khách quan ít nhiều vẫn có tính chủ quan.
Thi tự luận là bài thi truyền thống mà ở đó người ta đưa ra những yêu cầu xác định buộc người học phải trả lời các yêu cầu đó bằng chính kiến thức và sự diễn giải của mình. Vì thế, thi tự luận có điểm mạnh là: đánh giá được quá trình tư duy đi đến kết quả; phát huy được tối đa vốn và kĩ năng, kiến thức của người học; giúp người học có được kĩ năng trình bày vấn đề,…; nhưng điểm yếu của trắc nghiệm tự luận lại là: mất nhiều thời gian làm bài thi; kiến thức thi không bao quát hết được nội dung dạy học; có tính chủ quan trong việc đánh giá; dễ đưa đến học lệch, học tủ… Trong khi đó, thi trắc nghiệm là cách mà người ta đưa ra các yêu cầu với những phương án trả lời khác nhau và đòi hỏi người học phải chọn lấy đáp án đúng. Vì vậy mà thi trắc nghiệm có những điểm mạnh quan trọng là: không gây áp lực thi cử đến người học – một vấn đề đang bị xã hội lên án gay gắt; kiến thức kiểm tra bao quát được nội dung học, có cơ sở và đảm bảo được tính hệ thống từ thấp đến cao; khách quan hóa được quá trình đánh giá; dễ áp dụng và có tính thống nhất cao; có tính phân hoá trình độ mạnh; tận dụng thế mạnh của công nghệ hiện đại; tiết kiệm và gọn nhẹ;… Tuy vậy, thi trắc nghiệm cũng có hạn chế là: chỉ đánh giá được kết quả chứ không đánh giá được quá trình tư duy đi đến kết quả; tính chất lựa chọn ngẫu nhiên hay đoán mò ít nhiều vẫn có thể xảy ra trong quá trình làm bài; mất nhiều thời gian công sức để soạn bài thi trắc nghiệm khách quan.
Nếu thi tự luận đòi hỏi người học phải tư duy rồi viết ra kết quả, phải tự tìm kiếm câu trả lời và trình bày câu trả lời đó dài sao cho đủ ý, còn thi trắc nghiệm đòi hỏi người học đọc và suy nghĩ rồi lựa chọn đáp án ngắn gọn sao cho phù hợp. Chất lượng và điểm bài thi tự luận phụ thuộc nhiều vào chủ quan người chấm, còn chất lượng và điểm bài trắc nghiệm phụ thuộc nhiều vào người xây dựng đề thi, phụ thuộc vào chính đề thi. Tất cả những điểm mạnh và yếu này của thi trắc nghiệm khách quan không chỉ đúng với môn Toán mà còn đúng với các môn khác nữa, mặc dù về tiểu tiết có thể khác nhau chút ít. Chính vì những ưu điểm như vậy mà hiện nay chúng ta cũng thấy rằng hình thức thi trắc nghiệm Toán đã và đang trở thành một xu hướng mạnh có mặt ở nhiều nước vốn có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Thuỵ Điển, Israel, Hàn Quốc,…, dù rằng sự tranh cãi giữa hai hình thức thi tự luận và trắc nghiệm vẫn còn tồn tại. Những bài thi trắc nghiệm như SAT, ACT, GRE, GMAT hiện nay vẫn đang được sử dụng rộng rãi và đem lại nhiều hiệu quả tốt.
Vì những lẽ trên, trong điều kiện tổ chức thi THPT để đánh giá học sinh trên diện rộng, với nhiều lực lượng khác nhau tham gia coi thi, chấm thi, tôi ủng hộ sử dụng hình thức thi trắc nghiệm để có thể đánh giá chính xác, đảm bảo khách quan, công bằng cho thí sinh, tiết kiệm thời gian và công sức, chi phí đầu tư cho việc chấm thi… Tuy vậy, tình hình thực tế hiện này không thể không khiến người ta lo lắng về tính khách quan và độ tin cậy của bài thi trắc nghiệm Toán.

Những băn khoăn lo lắng của dư luận là có cơ sở

Bộ GD & ĐT cho biết đã đề ra kế hoạch thi trắc nghiệm trong tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2007. Ngay sau đó Bộ đã triển khai thi trắc nghiệm cho các môn thi là Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Đến năm 2010, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra, trong đó có hướng dẫn biên soạn đề trắc nghiệm khách quan các môn học, kể cả môn Toán (Công văn số 8773/BGD &ĐT – GDTrH). Từ năm học 2010-2011 đến nay, trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, các sở GD&ĐT đã yêu cầu giáo viên các trường THPT ra đề kiểm tra cần kết hợp hình thức tự luận và hình thức trắc nghiệm khách quan. Như vậy, phong cách xây dựng đề thi và làm bài thi trắc nghiệm chắc hẳn không còn xa lạ và không dễ gì có thể gây hoang mang cho giáo viên và học sinh. Cho tới năm 2013, Bộ đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện thi đánh giá năng lực hoàn toàn bằng trắc nghiệm khách quan để tuyển sinh ĐH. Ba năm qua kì thi năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội đã thu hút hàng trăm nghìn lượt thí sinh dự thi, và đã được dư luận xã hội đánh giá tốt. Hiện tại, Bộ đang tập hợp lực lượng các nhà khoa học, thầy cô giáo nhiều kinh nghiệm trong việc ra đề thi để xây dựng ngân hàng thi trắc nghiệm đủ lớn, công việc này sẽ được hoàn thành vào tháng 5/2017 để phục vụ kì thi.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị như vậy, song từ thực tế những gì đang diễn ra, các nhà toán học cũng không thể không băn khoăn lo lắng. Bởi lẽ, trong nhiều năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã không có được một phương án thi THPT nhất quán và ổn định. Chính vì lẽ đó, dư luận cho rằng cách tổ thức kì thi như vậy là một việc làm cập rập, có tính thời vụ là có lí. Hơn nữa, một đề thi trắc nghiệm muốn có độ tin cậy cao thì phải được chuẩn hoá, phải được thử nghiệm, phải qua các khâu thẩm định và phản biện nghiêm nhặt… Trên thực tế, Bộ GD & ĐT đương nhiên phải có đủ năng lực để biên soạn ngân hàng đề thi trắc nghiệm, nhưng với một thời gian xây dựng ngân hàng đề thi ngắn như vậy liệu có thể đảm bảo rằng tất cả các bộ đề thi trắc nghiệm Toán có đủ độ tin cậy, có tính phân biệt khó dễ, có phù hợp với thực tế dạy học và năng lực của học sinh hay không… Đây là điều mà dư luận không nhìn thấy và tìm thấy trong cách tổ chức thi THPT của Bộ GD & ĐT. Mặt khác, hình thức thi trắc nghiệm cần một lượng câu hỏi đủ lớn, có chất lượng không phải là một việc có thể dễ dàng được đáp ứng như Bộ hình dung. Cho dù Bộ có nói rằng sẽ khảo sát, nghiên cứu kế thừa và phát triển đề thi năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội thì giới chuyên môn cũng không khỏi băn khoăn khi họ không được “thực mục sở thị” việc đánh giá phản biện về tính khoa học, sự khách quan và độ tin cậy của bộ đề thi này.

Thay lời kết: Không chỉ là chuyện thi trắc nghiệm

Với Phương án thi trắc nghiệm môn Toán như trên, Hội Toán học đã chính thức lên tiếng đề nghị Bộ GD & ĐT hoãn áp dụng thi trắc nghiệm năm 2017 và cần tiến hành nghiên cứu thận trọng trước khi quyết định có đưa vào sử dụng chính thức hay không. Có thể coi đây là một việc làm tâm huyết, kịp thời và có trách nhiệm của Hội Toán học. Hội Toán học cũng đã có buổi làm việc chung với Bộ GD & ĐT để trình bày quan điểm của mình, song vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả đáng. Chuyện thi trắc nghiệm môn Toán cũng như nhiều việc lớn mà ngành giáo dục triển khai gần đây (ví dụ như dự thảo Chương trình và Sách giáo khoa mới, việc dạy ngoại ngữ, thí điểm Công nghệ giáo dục,….) cho thấy giữa Bộ GD&ĐT với các hiệp hội chuyên ngành, với xã hội,… dường như không có tiếng nói thống nhất, thiếu sự tham khảo, lắng nghe lẫn nhau. Thiết nghĩ, để mỗi chủ trương chính sách có thể đi vào thực tiễn xã hội và phát huy tối đa hiệu quả của mình, ngành giáo dục rất cần có sự tham khảo, lắng nghe từ phía các tổ chức, bộ phận có trách nhiệm hữu quan.

Tác giả Phạm Văn Lam

Theo tạp chí Tia Sáng/ Bộ khoa học công nghệ