Bài học kinh điển từ câu chuyện bắt kẻ cắp của ông già Do Thái

 

Cách xử trí tình huống của người Do Thái xưa nay vẫn là điều mà chúng ta phải học tập, và qua câu chuyện này, người ta còn biết thêm họ còn có khả năng nắm bắt tâm lý tội phạm nữa.

Nội dung câu chuyện như sau:

Có 3 người bạn đến Jerusalem, dọc đường họ cảm thấy do mang quá nhiều tiền, nên tốc độ bị chậm và sợ bọn cướp, nên tất cả cùng nhất trí chôn toàn bộ tiền của cả 3 cùng một chỗ, đợi kiếm được xe thì qua lấy lại sau.

Tuy nhiên, sáng hôm sau, bọn họ phát hiện số tiền đã “không cánh mà bay”, và chắc chắn thủ phạm chỉ có thể là 1 trong 3 người họ, vì chỉ họ mới biết chỗ chôn tiền.

Cãi nhau hồi lâu, tất nhiên là không ai chịu nhận đã lấy cắp tiền, tất cả cùng mang “vụ án” tới gặp Solomon, người thông thái nhất thành Jerusalem xin giúp đỡ.

 

 

Solomon ngay sau khi nghe xong câu chuyện, trả lời :

“Ta cũng đang có 1 vấn đề nan giải, phiền 3 vị nghe câu chuyện của ta trước, góp ý giúp ta rồi sau đó ta sẽ giải quyết giúp chuyện kia của các vị”.

Và ngay sau đó, ông kể 1 câu chuyện cho 3 vị khách :

Một cô gái được hứa gả cho một chàng trai và đã đính hôn ước. Nhưng không lâu sau, cô lại yêu một người khác. Thế là, cô đề nghị hủy hôn với vị hôn phu, đồng thời bằng lòng bồi thường cho anh một khoản tiền.

Nhưng vì hạnh phúc của người mình yêu, chàng trai đã đồng ý hủy hôn mà không cần tiền bồi thường.

Rồi chẳng bao lâu sau, cô gái bị một ông lão lừa và bắt làm con tin để đòi tiền chuộc. Vì muốn thoát thân, cô gái nói với ông lão:

“Vị hôn phu trước đây chẳng cần tiền bồi thường và đồng ý hủy hôn rồi, vì vậy, xin ông cũng nên làm thế với tôi”. Vậy là ông lão cũng đồng ý để cô đi mà không lấy đồng nào.

 

 

Kể chuyện xong, Solomon hỏi: “Theo các vị, cô gái, chàng trai và ông lão, hành vi của ai là đáng khen nhất?”.

Người đầu tiên nói: “Chàng trai hôn phu đáng khen nhất, vì đã trân trọng tình yêu với cô gái mà không cần tiền bồi thường”.

Người thứ hai thì bảo: “Đó phải là cô gái, vì cô gái sẵn sàng vì tình yêu mà bất chấp tất cả, không ngại bồi thường tiền cho vị hôn phu”.

Còn người thứ ba suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Câu chuyện thật vớ vẩn, tại sao ông lão bắt cóc cô gái để đòi tiền mà sau đó lại thả đi một cách vô lý như vậy chứ ?”.

Ngay sau khi người thứ ba dứt lời, Solomon đã chỉ thẳng vào mặt hắn nói rằng: “Ngươi chính là kẻ trộm!”, và hô người bắt anh ta lại.

Khi mọi người hỏi lý do, Solomon trả lời :

“Đó là đòn tâm lý, trong câu chuyện tôi vừa kể, 2 người đầu tiên chỉ quan tâm tới tình tiết, nhân vật mà coi nhẹ đồng tiền, còn kẻ kia chỉ nghĩ đến chuyện tại sao ông lão lại phải thả cô gái mà không lấy tiền, chứng tỏ hắn có tâm hồn đồi bại”.

Nghe xong tất cả đều cúi đầu thán phục ông lão, còn tên kẻ trộm sau đó cũng phải cúi đầu nhận tội.

Bài học từ câu chuyện :

Đa phần chúng ta thường xét đoán mọi người dựa trên sự thật trước mắt, nhưng ông lão Do Thái kia đã dạy chúng ta rằng, nhiều khi những hành động, thái độ dù rất nhỏ cũng nói lên được bản chất con người.

Con người rất khó đoán, như vụ trộm kia cũng vậy, vào thời đại đó thì lấy đâu ra chứng cớ để buộc tội người đàn ông kia?, thế nhưng Solomon trong câu chuyện đã “xử án” dựa trên cái tâm của mỗi người, để tìm ra kẻ đáng nghi nhất.

Chính vì vậy, dù không ở hiện trường, hay hiện trường bị xáo trộn, chỉ cần kể 1 câu chuyện, ông lão Do Thái đã biết 3 người đó thực ra bản chất như thế nào, và ai có khả năng là kẻ trộm cao nhất.

Cơ quan đặc vụ Mỹ FBI cũng thường áp dụng phương pháp tương tự của ông lão để tìm ra kẻ tình nghi khi xử lý các vụ án khó.

 

 

Đó là các biện pháp kích thích, câu hỏi dò tâm lý tội phạm để biết những kẻ nào có bản chất sát nhân hay suy nghĩ khác người … từ đó họ sẽ ước đoán tỷ lệ % ai là tội phạm cao nhất, rồi từ đó điều tra sâu hơn, tìm ra bằng chứng buộc tội.

Câu chuyện đã dạy chúng ta rằng, nhiều khi gặp sự việc khó, cái quan trọng là cần lắng lại suy ngẫm, tìm ra bản chất của sự việc thay vì cứ lao vào lối mòn để tìm kiếm, như trong câu chuyện kia là bản chất, tâm lý của kẻ trộm.

Theo Tri thức trẻ